Wind of Change: Từ Burma đến Việt Nam?

Wednesday, October 31, 2007

Tuổi Trẻ và Hoạt Động

Bấm vào đây để nghe file âm thanh: http://radiochantroimoi.com/spip.php?article2783
Radio Chân Trời Mới

Ngày 18 tháng 10, 2007
Đan Thanh

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng nghe và chắc hẳn đồng ý với câu “tuổi trẻ là tương lai của xã hội.” Sau đây là vài suy nghĩ mà Đan Thanh thu lượm được chung quanh chủ đề liên quan đến câu nói ấy: đó là các đời sống và sinh hoạt của các sinh viên, cũng như ảnh hưởng của những sinh hoạt này trong xã hội. Lý do mà Đan Thanh có ý tưởng thực hiện một chương trình với chủ đề này là vì Đan Thanh sinh sống ở Hoa Kỳ khá lâu và may mắn được hấp thụ nền giáo dục đại học Hoa Kỳ, nên rất quen thuộc với lối sinh hoạt của sinh viên tại đây.

Và từ khi phụ trách thêm chương trình NCGC cho radio CTM đến nay, thì Đan Thanh lại có cơ hội đọc những dòng tâm tình của nhiều bạn sinh viên trong nước, từ đó có cơ hội so sánh những tương đồng và dị biệt giữa đôi bên. Đan Thanh còn nhớ tại trường đại học mà Đan Thanh theo học có khoảng 16,000 sinh viên.

Và cũng vào thời điểm đó thì con số các hội đoàn/tổ chức sinh viên do tại trường lên đến khoảng 200 nhóm. Các nhóm này tuy được trường đại học bảo trợ một số ngân quỹ nhất định, nhưng hoàn toàn được thành lập bởi sinh viên và được điều khiển do thành viên trong nhóm. Mục đích và phương thức sinh hoạt của nhóm tùy thuộc vào các thành viên – có những hội thể thao và giải trí như hội bóng bầu dục, bóng chuyền, khiêu vũ hay cờ vua, v.v… có hội lập theo ngành nghề ví dụ như kỹ sư, y tế, giáo viên tương lai… và dĩ nhiên, có các hội được thành lập theo bản sắc dân tộc, như hội sinh viên Việt Nam, hội sinh viên Hàn Quốc, hội sinh viên Nhật Bản, v.v… có những hội đoàn tôn giáo như sinh viên công giáo, sinh viên hồi giáo, hay sinh viên tin lành… Lại có hội được thành lập dựa trên quan điểm sống như hội các sinh viên ăn chay trường hoặc hội sinh viên yêu thú vật… Và có rất nhiều hội mà Đan Thanh không thể nhớ hết.

Để thành lập một hội đoàn sinh viên, chỉ cần một nhóm nhỏ có sáng kiến lập hội, đưa ra những mục đích của hội, và cần một giáo viên đồng ý làm cố vấn cho hội đó. Chính vì thế, nên trường đại học mới có thật nhiều hội sinh viên khác nhau, thu hút các sinh viên với những sở thích khác nhau. Chưa chắc rằng tất cả các hội sinh viên này đều có những sinh hoạt bổ ích cho xã hội, tuy nhiên, theo Đan Thanh, thì sự hiện diện của các hội đoàn do chính sinh viên thành lập, tự nó cũng đã là một điều bổ ích. Bởi nó chứng tỏ được một điều quan trọng về những người trẻ lớn lên trong xã hội Hoa Kỳ: đó là họ rất có tinh thần tự lập – khi thấy có nhu cầu làm một điều gì đó, thì họ tự khởi xướng và thi hành chứ không thụ động chờ đợi người lớn hay nhà trường làm giùm cho họ.

Bên cạnh đó, từ sự năng động thành lập những hội đoàn giải trí hay những hội đoàn chỉ mang ích lợi cho các thành viên, tuổi trẻ dễ dàng bước sang lãnh vực khác là thành lập những hội đoàn mang tích cách thiện nguyện xã hội, và xa hơn nữa, mang một số quan điểm chính trị để đòi hỏi quyền lợi cho sinh viên, hoặc một thành phần nào đó trong xã hội. Ví dụ điển hình là hội sinh viên Việt Nam. Tại những nơi đông dân cư Việt Nam, thì hầu như mỗi trường đại học Hoa Kỳ đều có hội sinh viên Việt Nam. Những hội này được thành lập khi một số sinh viên Việt Nam tại trường nhận thấy nhu cầu bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam, và chính họ đã chủ động tìm cách lập hội chứ không chờ nhà trường làm việc đó. Và từ những sinh hoạt mang tính cách thuần túy văn hóa như tổ chức văn nghệ hay tết trung thu tại trường, các sinh viên Việt Nam dần nhận thấy họ có khả năng làm nhiều hơn nữa để đòi hỏi quyền lợi sinh viên của họ, ví dụ như gây áp lực với nhà trường để mở các lớp về văn hóa Việt Nam hoặc các lớp Việt ngữ.

Nhìn xa hơn khuôn viên đại học, các sinh viên cũng nhận thấy họ cần làm nhiều hơn nữa để đóng góp cho cộng đồng và xã hội quanh mình. Từ những kinh nghiệm trong khuôn viên đại học, những sinh viên này bắt đầu thành lập những hội đoàn trẻ ngoài cộng đồng. Họ không còn lệ thuộc vào nhà trường hay thế hệ đi trước mà tự mình vạch ra đường lối sinh hoạt riêng. Đôi khi là những sinh hoạt xã hội như rửa xe gây quỹ cho trẻ em mồ côi hay cho những nạn nhân bão lụt. Cũng đôi khi là những buổi thắp nến cho tự do tôn giáo. Đôi khi lại là những đại hội để gặp gỡ và thảo luận về tương lai – tương lai của cộng đồng Việt Nam nơi địa phương cũng như tương lai của đất nước Việt Nam mà cho dù xa cách, họ vẫn không quên. Có lẽ quý thính giả rất quen thuộc với những cái tên như Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Đường, Tổng Hội sinh viên Việt Nam miền Nam Cali, v.v… Những đoàn thể trẻ này đang sinh hoạt rất tích cực và là một phần tử quan trọng trong cộng đồng Việt Nam địa phương, nhưng hơn nữa, chắc quý vị và các bạn cũng được biết đến các sinh hoạt hướng về quê hương - từ chuyến đi thiện nguyện về Kiên Giang để giúp đỡ trẻ em nghèo, đến những đại hội để thảo luận về tự do và dân chủ, hay những buổi gây quỹ ủng hộ dân oan khiếu kiện…

Từ một hội sinh viên nhỏ nơi trường học, các bạn đã trưởng thành và đã tích cực làm việc để thay đổi những gì mà họ nhận thấy là chưa hoàn hảo trong xã hội. Theo dõi các sinh hoạt của họ, Đan Thanh nhận thấy rằng nền giáo dục Hoa Kỳ đã mang cho tuổi trẻ Việt Nam một số hành trang rất cần thiết trong cuộc sống:

Thứ nhất, họ có khả năng nhận định sự thật, nhìn thấy mặt phải cũng như mặt trái của xã hội. Trong khi đó, Đan Thanh thoáng buồn mỗi khi nhận được thư của các bạn trẻ trong nước chia sẻ rằng, cho đến khi làm quen với radio CTM, thì họ không hề biết sự thật về đảng Cộng Sản, về nhân vật Hồ Chí Minh, hoặc ngay cả về xã hội Việt Nam hiện nay. Có bạn còn hỏi rằng nghe đài CTM có là phạm pháp không. Hệ thống giáo dục nhồi sọ và thông tin một chiều đã không cho họ cơ hội nhận định phải trái, ngay cả đối với quyền tự do của chính bản thân - bởi vì họ chưa từng có đủ dữ kiện để nhận xét đâu là thật đâu là hư, đâu là tốt đâu là xấu…

Điều thứ hai mà Đan Thanh nhận thấy là sống tại Hoa Kỳ, người trẻ Việt Nam lớn lên với tư duy tự do nên họ khi nhìn thấy những mặt trái của xã hội, họ không ngần ngại đặt vấn đề và tìm cách giải quyết vấn đề đó. Ví dụ như khi nhận thấy trường đại học chưa đáp ứng được nhu cầu của các sinh viên gốc Việt, họ đặt câu hỏi tại sao và tìm cách giải quyết vấn đề. Ngược lại, trong khi nhiều lá thư của các bạn trẻ trong nước gửi cho Đan Thanh và Hồng Thuận đều chia sẻ rằng nếu đôi khi có nhìn thấy những điều sai trái, thì các bạn vẫn không đứng lên đòi hỏi quyền lợi vì lo sợ cho an nguy của chính mình hoặc gia đình. Sự kiểm soát và đàn áp có hệ thống đã làm cho họ sống trong tư duy sợ hãi thay vì tư duy tự do.

Điều khác biệt thứ ba mà Đan Thanh nhận thấy nơi tuổi trẻ trong và ngoài nước là sự tự tin vào khả năng của chính mình. Nền giáo dục tự lập giúp cho các bạn trẻ tại Hoa Kỳ có được sự tự tin cần thiết vào chính bản thân. Vì thế, khi nhìn thấy mặt trái của xã hội, họ không ngần ngại đặt vấn đề, và sau đó, có những kế hoạch cụ thể và hành động thực tiễn để giải quyết vấn đề đó. Họ tin tưởng rằng mình có khả năng mang lại những thay đổi mình muốn thấy, và kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến khi thành công. Trong khi, rất nhiều bạn trong nước gửi thư tâm sự với Đan Thanh và Hồng Thuận đều chia sẻ ý nghĩ mình chỉ là một người hoặc một nhóm quá nhỏ, nên dù có nhìn thấy những bất công trong xã hội, có muốn làm một điều gì đó, thì vẫn cảm thấy bất lực.

Thưa quý vị và các bạn, nêu lên những ưu tư này, Đan Thanh chỉ muốn nói lên một điều: Đó là môi trường giáo dục và xã hội đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự trưởng thành của mỗi người trẻ trong đời sống và xã hội. Và, trong hơn 30 năm qua, thì hệ thống giáo dục và xã hội Việt Nam đã KHÔNG tạo nên một môi trường bổ ích cho sự trưởng thành của thế hệ trẻ. Ngày hôm nay, có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam được đi du học tại Hoa Kỳ hoặc nhiều quốc gia khác, và cùng với hệ thống internet toàn cầu, các bạn trong nước cũng có thể học hỏi khá nhiều từ các quốc gia khác, mặc dù không có cơ hội đi du học. Đan Thanh hy vọng rằng chính các bạn sẽ chủ động đứng lên, tạo dựng cho mình một môi trường và một xã hột tốt đẹp hơn. Đừng để cho đường lối giáo dục nhồi sọ và chính sách đàn áp của Đảng Cộng Sản Việt Nam làm cho bạn trở thành một người sống trong sợ hãi và tự ti. Hãy tự quyết định một triết lý sống lạc quan hơn cho mình, các bạn nhé

No comments: