Wind of Change: Từ Burma đến Việt Nam?

Thursday, October 4, 2007

Giới trẻ nghĩ sao? - Phát triển kinh tế, đổi mới chính trị?

Trà Mi, RFA

Trà Mi: Có điều gì thể mà bạn có thể đưa ra một ví dụ được không? Những cái đổi mới cụ thể nhất mà bạn thấy là tích cực đối với cuộc sống của người dân.

Thanh: Ví dụ như em thấy rõ nhất là về kinh tế. Em cảm thấy kinh tế rất là phát triển, thực sự phát triển hơn những thời kỳ trước. Như là những sự kiện vừa rồi đấy, Việt Nam gia nhập WTO hay là tổ chức thành công hội nghị APEC.

Em cảm thấy các vị lãnh đạo đã cố gắng hoà mình vào thế giới rồi đấy, không phải bị ràng buộc bởi thế nào là con đường xã hội chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa thì không thể phát triển kinh tế tư nhân, thí dụ như thế đi. Hình như đã bỏ bót sự lùng bùng rồi đó. Em cảm thấy như thế.

Còn về sự chuyển biến chính trị thì như em nói lúc nãy, nó phát triển rất là chậm. Nhưng đọc báo và xem đài thì em vẫn thấy người ta vẫn kêu gọi phát triển, đổi mới hệ thống chính trị, xã hội, đổi mới hệ thống hành chính. Ở các cấp trung ương và địa phương người ta đã nhấn mạnh thật nhiều rồi đấy. Nhưng thực sự khó có chuyển biến mạnh trong đời sống và em thấy chưa có kết quả nhiều lắm.

Huy: Em đánh giá thế nào là một nền kinh tế phát triển? Tức là tỷ lệ GDP đầu người tăng, đúng không?

Thanh: Thứ hai nữa là đời sống thực tế được cải thiện.

Huy: Thực tế mình thấy đời sống mình thoải mái hơn, đúng không?

Thanh: Dạ.

Huy: Em có biết được tỷ lệ lạm phát từ đầu năm 2007 cho tới thời điểm này là bao nhiêu phần trăm không? Tỷ lệ lạm phát đồng nghĩa với nền kinh tế đang đi xuống.

Thanh: Em không nắm rõ là bao nhiêu, nhưng vừa rồi em xem tivi nói là lạm phát tăng phải không anh?

Huy: Đúng. Anh đơn cử một ví dụ nhé. Nếu em là một bà nội trợ ở thời điểm này, với đồng lương em đi làm cố định, em đi chợ rất là khó khăn. Vì làm việc bên kinh doanh nên anh biết rõ điều đó.

Thanh: Dạ đúng.

Huy: Tỷ lệ GDP đầu người tăng ở những năm trước, anh cho là đúng, tức 7% - 8% . Nhưng từ đầu năm 2007 tới giờ này, tỷ lệ GDP đầu người Việt Nam hiện giờ đang dậm chân tại chỗ và đang tụt xuống, tức là tỷ lệ lạm phát tăng, có nghĩa là nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Thanh: Dạ.

Huy: Anh nói ra không phải để bài xích một cái gì hết, nhưng mình muốn nhìn một nền kinh tế phát triển thì mình có cái nhìn tổng thể. Không phải là những hợp đồng mình ký mười mấy tỷ hay hai mươi mấy tỷ có nghĩa là nền kinh tế tăng, mà là cuộc sống của người dân, cuộc sống của người công nhân có được tăng tiến hay không.

Mức lương căn bản của Việt Nam hiện giờ thuộc dạng thấp cực độ. Nếu em là một người lao động chân tay trong các công ty thì em sẽ thấy đồng lương đó như thế nào. Anh bảo đảm là em không thể sống với đồng lương đó.

Tuấn: Thật ra chuyển biến phát triển kinh tế Việt Nam nó như thế này nè Thanh với Huy, là với cái đà này nó đưa đến phồn vinh giả tạo. Điều này có nghĩa là sẽ có một bộ phận sống cực kỳ giàu có, chiếm thiểu số quần chúng, và một bộ phận người dân sống cực kỳ nghèo khổ và lại chiếm đa số quần chúng. Mà trên bình diện kinh tế phát triển thì mình không thể lấy cái cục bộ để nói cái đại cuộc được, mà mình phải nói chung.

Em học trường Xã hội-Nhân Văn và ngay bên cạnh trường em thường thấy có một số nhóm người đi khiếu kiện, khiếu nại, chứ em chưa nói đến khái niệm biểu tình, họ đăng lên rất nhiều biểu ngữ, trước tiên là ‘Chủ tịch HCM muôn năm, nước CHXHCN Việt Nam muôn năm’, kế đó người ta nói lên những ý nguyện của mình.

Thành ra ví dụ có một nhóm người thu nhập siêu giàu và nhóm người thu nhập siêu thấp mà nếu cộng lại rồi chia đều ra thì có thể đạt một con số trung bình nghe rất thú vị, nhưng trên đại thể thì rõ ràng là nó không ổn.

Thanh, em có biết thu nhập trung bình của người nông dân Việt Nam hiện giờ chỉ có một trăm ngàn một tháng không? Trong khi đó thì nông dân chiếm tới 70% dân số. Như vậy 70% dân có thu nhập 100.000 đồng/tháng, còn 30% còn lại có thu nhập thí dụ 100.000 đô đi, thì không thể lấy hai con số đó cộng lại để ra kết quả là GDP 600 đô một năm để chúng ta vỗ tay vui mừng với nhau được.

Thí dụ trong gia đình Thanh có 50 người, từ ông bà nội cho tới cháu nội, có 5 người thu nhập rất cao và 45 người còn lại thu nhập cực kỳ nghèo khổ, người ta nhìn vào nói GDP gia đình Thanh 600 đô, Thanh có vui không? Thanh không vui tại vì sao? Vì 45 người kia trong cùng gia đình sẽ chỉa rẽ vói 5 người còn lại, không ai hạnh phúc với điều đó cả. Nhưng người ở ngoài người ta không biết, người ta nói vậy là hay rồi, nhưng chính Thanh là người trong cuộc Thanh mới thấy cái đó là không ổn.

Có đúng vậy không? Đó, thành ra cách phát triển của Việt Nam là như thế đó và nếu không có sự thay đổi nào khác thì nó sẽ đi đến hướng đó và đó là điều đáng buồn chung cho cả dân tộc. Mình chỉ nói như thế thôi.

Thanh: Em đã nhận thức sai rồi.

No comments: